Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Từ những cung đường


                                                                                     Ghi chép

CỔNG TAM QUAN CHÙA LẦU - DUY TRINH
      Tranh thủ mấy ngày nghỉ ở cơ quan, nhóm văn nghệ thèm đi quanh quanh đâu đó chúng tôi làm cuộc dạo chơi bằng xe máy. Tưởng tí chút thôi vậy mà cũng “xơi” được ba ngày hai đêm qua năm huyện từ đồng bằng đến trung du rồi miền núi của quê nhà.
      Thời tiết vào tháng bảy đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa bất chợt. Lần lữa đợi trời tốt lên, khô ráo lên cứ nhầm nhây hoài không chịu được. Thế là đã bốn giờ chiều, mưa vẫn còn dai dẳng và bầu trời xám xịt những đám mây nặng nề treo trên phía tây, nơi chúng tôi hướng đến. Bịt bùng trong tấm áo choàng mưa nhàu cũ, nhà thơ Phạm Thông trờ chiếc Dream cũng già cũ như chủ của nó vào tận cổng: “Đi thôi Dũng ơi! Mưa cũng đi, nghe khó chịu bụng dạ quá làm sao ngồi nhà cho được!”. Vậy là chúng tôi đi.
       Ba chiếc xe máy thủng thẳng qua màn mưa chiều nhằm theo QL IA chạy ra hướng bắc. Đang đợi ở Nam Phước là hai bạn thơ Sa Hoài Nhân và Võ Bá cũng nôn nao không kém. Hội quân tại căn nhà nhỏ bé ấm cúng và ngổn ngang sách của tay chơi ”bốn câu” Võ Bá thì đã huỳnh hôn rồi. Bữa cơm rau dưa được đưa đẩy với bầu rượu Hồng Đào nhĩnh hơn nắm tay người lớn một tí, phần thưởng thơ Nguyên Tiêu khiêm tốn hồi đầu năm mà chủ nhà cứ nâng niu để dành cho cuộc trà dư tửu hậu này. Chả phải Võ Bá “hiếu khách” gì đâu, chẳng qua là “bốn câu thi sỹ” cùng với bạn thơ Sa Hoài Nhân ở Duy Xuyên này vốn là “Người thơ nguyễn thị”, cả đời không bao giờ biết đến mùi vị của các loại men làm điếu đổ không biết bao nhiêu đấng anh hùng quân tử, mặc khách tao nhân. Thật là một thiệt thòi đến tội nghiệp. Vừa ăn cơm tối vừa bàn bạc kế hoạch và lộ trình, cuối cùng chúng tôi thống nhất hai phương án, một là lên nghỉ đêm trong khu đền tháp Mỹ Sơn để thực sự tận hưởng khoái cảm một khuya Chàm lung linh và huyền hoặc, hai là vào xin nghỉ nhờ ở Chùa Lầu xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên này. Do rề rà, khi liên lạc được với những người phụ trách khu đền tháp thì đã quá muộn, không thể sắp xếp được, cuối cùng chúng tôi đành phải vào làm phiền Đại Đức Thích Như Giải, trụ trì Chùa Lầu. Vừa từ Thành Phố Hồ Chí Minh về sau một chuyến đi, tuy mệt mỏi thế nhưng khi hay tin có anh em Văn nghệ sỹ đến thăm, thầy đã vui vẻ tiếp đón, qua mấy câu trình bày ngắn ngủi và có phần ngượng ngập của chúng tôi, thầy Như Giải nhẹ nhàng nhưng thân tình mời chúng tôi ở lại đàm đạo thơ phú và cho đệ tử sắp xếp nơi nghỉ ngơi chu đáo. Cũng duyên may lúc này còn có mặt bạn thơ Hồ Xoa, người Đại Lộc. Hồ Xoa và thầy Như Giải cũng cùng là nhóm bạn thơ phú với những Nguyễn Hải Triều, Huỳnh Minh Tâm, rồi nào Đỗ Thượng Thế, Nguyễn Vân Thiên v.v. và v.v…thuở nào.
      Thế là bên những tách trà bé xíu đáng yêu, hòa quyện với hương trầm ngát thơm và ấm áp, người Đạo kẻ đời cứ vậy say sưa những câu thơ thấm đẫm tình người, tình quê hương xứ sở, những câu thơ trĩu nặng lòng ơn nghĩa đối với đấng sinh thành đã một đời lao lực để nuôi con, chúng tôi quên đi khái niệm về thời gian đang trôi qua, tiếng đêm đã ngọt ngào ngoài kia, thời chuông mõ công phu đã tịnh tự bao giờ. Xa xa, tiếng thoi dệt đều đều trong khuya vắng của quê hương tằm tang nổi tiếng.
CHÚ TIỂU

        Sau bữa cơm tương chao đạm bạc mà tôn nghiêm buổi sáng cùng thầy trò bổn tự, chúng tôi từ biệt lên đường. Tuyến ĐT 610 này được mở rộng và nâng cấp bằng tiền tỷ tính trên đơn vị kilomet từ ngã ba Nam Phước đến ngã ba Duy Phú, lối vào khu thánh địa Mỹ Sơn. Được đưa vào sử dụng đầu những năm 2000. Lòng đường rộng thoáng và phẳng lỳ lớp thảm bê tông nhựa ASPHAL đã mở ra những vận hội mới cho vùng quê Duy Xuyên này, bởi đây là tuyến đường quan trọng phục vụ cho sự nghiệp phát triển du lịch, một nguồn thu không khói nhưng ỗn định và tiềm năng, không có mấy địa phương cấp huyện thừa hưởng được phúc trạch ấy. Cũng trên con đường này, từ sau năm 1975, để khắc phục và đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thời bấy giờ, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cũ đã thành lập Công trường 104 GTVT, đứng chân tại khu vực Chiêm Sơn, chịu trách nhiệm phục hồi tuyến đường này. Sau những năm tháng chiến tranh tàn phá, đường không còn ra đường, cầu cống đã sụp đổ gần hết, hầu như là tạm bợ. Tuổi trẻ 104 mà đa số là những thanh niên vừa rời ghế nhà trường, đã hăng say ngày đêm miệt mài để nối lại những tuyến huyết mạch giao thông, như nối lại mạch máu để dẫn lưu năng lượng nuôi cơ thể. Ở đơn vị này, tôi có những người bạn, những đồng nghiệp đã chia sẻ buồn vui suốt một cuộc đời nắng mưa gian khó, có người trở thành bạn đời của tôi bây giờ, có người trở thành bạn văn chương thi phú, và nhiều người đã ra đi. Nhà thơ Phạm Phù Sa ở Hội An là một…
         Khu thánh địa Mỹ Sơn hôm nay “sang trọng và hoành tráng”, đó là nói về việc quy hoạch và xây dựng các hạng mục mang tính dịch vụ. Nếu gọi cho đúng tên, thì Mỹ Sơn hôm nay xứng danh một Di sản UNESCO. Các khu tháp đã được trùng tu bài bản và khoa học, là người ngoại đạo, tôi chỉ có một cảm giác là Mỹ Sơn đã đẹp hơn lên, nề nếp hơn lên, không còn hoang liêu và buồn bã như lần tôi ghé thăm trước đây. Tự nhiên có một liên tưởng mang tính triết lý. Lần đầu đến thăm Mỹ Sơn là một chiều mưa năm 1993, khi ấy tôi được tăng cường đến hoàn thiện hạng mục gia cố lòng sông của cầu Bà Tiềm cho kịp nghiệm thu trước mùa mưa bão, từ công trường làm việc, đã hơn năm giờ chiều, tôi và hai công nhân, đồng đội của tôi mượn xe đạp bương đường tìm đến Mỹ Sơn. Qua khoảng 5 cây số đường lổn nhổn đá sỏi và nham nhở ổ gà, vào đến nơi trời tặng một cơn mưa như trút, ba chàng công nhân nhếch nhác bạc màu áo thợ cứ vậy vuốt mặt mà đi, mà nhìn ngắm. Lẫn trong lau lách hoang sơ, những ngôi tháp điêu tàn đổ nát nằm lặng lẽ dưới mưa, gây cảm giác hiu hắt buồn đến ngạt người, lúc ấy quanh co trong khu đền tháp chưa có đường dẫn rộng thoáng và đẹp đẽ như bây giờ, chúng tôi vẹt lau lách mà đi, mà nhớ tới thời mười bảy tuổi Chế Lan Viên đã làm kinh hoàng bầu khí quyển thơ Việt lúc bấy giờ ”Những ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”.
     Năm 2003, Hội VHNT tỉnh Quảng Nam phối hợp với vài đơn vị tổ chức Trại sáng tác VHNT thiếu nhi lần thứ nhất, Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Trung đăng cai, con gái lớn của tôi may mắn có tên tham gia. Do không tổ chức cho các em đi thực tế ở Mỹ Sơn như kế hoạch ban đầu, tranh thủ ngày nghỉ, tôi chở con gái tự làm một chuyến “thực tế sáng tác” Mỹ Sơn để cháu có trải nghiệm mà viết bài, nhân thể tôi cũng được thêm một bận đến với nơi quyến rủ ấy. Có lẽ mưa chỉ chờ cha con tôi mà ban phát hay sao ấy, từ Tam Kỳ đến Mỹ Sơn, chúng tôi không còn chỗ để ướt mặc dù đã cẩn thận trong hai lớp áo mưa. Lần này nơi đây đã tổ chức đưa vào kinh doanh phục vụ khách du lịch, với cái vé 50% dành cho học sinh và 1 vé người lớn, cha con tôi rảo trong màn mưa kỳ lạ ấy, vậy mà cũng không ít đoàn khách nước ngoài túm tụm dưới những chiếc dù màu sắc sặc sỡ, đứng lắng nghe tiếng thuyết minh của hướng dẫn viên du lịch về các nét đặc trưng ở khu đền tháp này… Và hôm nay, mùa hè 2013, lại mưa. Chớp mắt ba lần ghé đến Mỹ Sơn, ba lần bị mưa ướt tối tăm mày mặt, tôi đã làm cuộc đi dài những hai mươi năm của đời mình. Những lần đi ấy cũng đều mong mỏi viết được một điều gì đấy về Mỹ Sơn, vậy mà giờ đây, tôi ngồi vật lộn với mấy trang viết này bằng một tâm hồn cỗi cằn và xơ cứng, mới thấm thía nỗi đau bất tài vô tướng mà lại ham hố đến chuyện không cùng. Than ơi bi kịch đời người ngoài duyên phận, cơm ăn áo mặc, còn nhiều thứ bi kịch không tên khác cứ quấn lấy phận người như một thứ oan khiên tội nợ, như một nghiệp chướng.
      Đoàn nghệ thuật của Ban quản lý di tích Mỹ Sơn gồm những chàng trai, cô gái còn rất trẻ, công diễn một số tiết mục để phục vụ du khách. Tôi đã từng nhiều lần xem qua ti vi, cũng vẫn những màn múa hát quen thuộc, nhưng sao bây giờ ngồi đây, tận mắt chứng kiến những vũ nữ hồng hoang tươi trẻ, đẹp đến điêu linh phô diễn những tạo hình của nữ thần Apsara bằng xương bằng thịt, bằng những uốn lượn mê hồn trong hòa âm của các loại nhạc cụ riêng biệt, chỉ dân tộc Chăm mới có. Sự huyền hoặc lung linh được hiệu ứng ánh sáng làm cho nổi da gà, không phải vì sợ mà vì cái đẹp, đúng như người đời thường bảo, cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới, bất chợt ngờ rằng những hình ảnh sống động kia như vừa bừng thức sau giấc nghìn năm, trở mình bước ra từ rêu phong gạch đá. Những lóe sáng liên tục của máy ảnh từ hàng ghế người thưởng lãm đã nói lên sự khâm phục trước tài năng nghệ sỹ. Chương trình lại đưa người xem vào một trạng thái mơ hồ khác khi tiếng kèn saranai vang lên, tạm so sánh một cách khập khiểng vì chẳng thể diễn giải rõ ràng, hãy hình dung tiếng vang rít của hai thanh cật nứa khi cọ xát vào nhau, ta sẽ có cảm giác gần giống thế. Trên sân khấu, trong bộ áo Chàm trắng cổ truyền của tộc người dài sát đất, chiếc khăn vấn tròn trên đầu, chàng trai Chăm, một Nghệ nhân thực thụ đã làm ngỡ ngàng mọi người qua màn độc tấu, hình như trong tiếng kèn kia có lẫn nỗi tự hào và niềm ai oán, càng lúc càng dữ dội và hùng tráng sau những cung bậc dìu dặt thiết tha khi mới trỗi giọng. Sân khấu chợt rúng động bừng lên khi mỗi lúc càng về cuối người nghệ sỹ càng lên đồng, như thể bao tâm tình tiền kiếp hiện về qua tiếng kèn điêu luyện.

     Phân vân ngần ngại mãi rồi cũng đành liều. Vượt Phường Rạnh. Sợ bàn nhiều đâm thối chí, chúng tôi rẽ vào một nhánh đường bê tông trong xóm để tránh đoạn lầy lội từ ngã ba Duy Phú tới chân đèo. Những tưởng đỡ được vất vả dè đâu lại phải trả giá cho sự tính toán kia bằng gần chục cây số lạc đường. Lười nghĩ nên ai nấy cứ tin theo hai ông thổ thần bổn xứ Sa Hoài Nhân và Võ Bá. Vòng vèo chán theo những xóm thôn mượt mà xanh và đã có phần trù phú, đến khi tôi phát hiện ra thì đã xuống gần đến Duy Hòa…! Thôi đành cười xòa với nhau mà quay lại chứ còn biết sao hơn nữa. Đây là tuyến độc đạo nối Nông Sơn Trung Phước với vùng đồng bằng qua ngõ Duy Xuyên, tuyến đường men theo con đèo Phường Rạnh dài 17 Km, đã được làm thành tuyến giao thông, nghĩa là xe đò các thứ có thể lưu hành từ hồi Pháp thuộc, nhằm khai thác than Nông Sơn ở phía đầu nguồn sông Thu Bồn và phục vụ khu kỹ nghệ An Hòa đình đám một thời. Từ dưới chân đèo, bên cạnh hồ chứa nước Bàn Thạch, một khu biệt thự nghỉ dưỡng của giới thượng lưu người Pháp lúc bấy giờ đã được xây dựng, chắc rằng trước đây nên thơ lắm, bằng chứng là đến hồi đầu những năm 2000, chúng tôi lên đảm bảo giao thông, nghĩa là sửa chữa đường sá ấy mà, tôi đã từng đóng quân trong một ngôi biệt thự bên đường còn tương đối bền vững, chung quanh rải rác hàng chục biệt thự như thế hoang tàn lẩn khuất trong một cánh rừng đầy lau lách và cỏ dại, trông ra mặt hồ rộng lăn tăn sóng. Hôm nay nơi đây đang là một công trường rộng lớn, không biết bao nhiêu máy móc thi công đang gầm rú cày xới và san lấp, hình như nâng cấp cao trình của đập Bàn Thạch, khu biệt thự ấy đã biến mất, tiếc thật, nếu chịu khó trùng tu và có cách để xây dựng quy hoạch, đây sẽ trở thành một điểm nghỉ cao cấp phục vụ khách du lịch nối dài theo hành trình di sản Hội An – Mỹ Sơn, phát triển tiếp lên ngõ Trung Phước Nông Sơn rồi qua làng Đại Bình cây trái…Nhưng thôi, tiếc cảnh sinh tình thì bâng quơ vậy chớ đó là chuyện lớn, chuyện của những nhà “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/ Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” tầm cỡ, nào đâu đến lượt mình!
Thêm chú thích
       Năm chiếc xe máy không chạy mà nhảy chồm chồm trên những quanh co ngược dốc của con đèo, đường lởm chởm đá. Đã hơn ba mươi năm rồi còn gì, những người công nhân cầu đường của Công trường 104 thuở ấy đã làm mới con đường đèo bằng sức vóc trẻ trai của một thế hệ tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng. Từng viên đá 10x15 được chèn ghép vững vàng để làm nên móng đường giờ đang trơ mình phơi gan cùng tuế nguyệt, như ngơ ngẩn một câu hỏi không có lời đáp: “lớp áo đường cấp phối đá dăm nước của chúng tôi đâu?”. Bởi lẽ, theo thiết kế của loại công trình này, thì sau lớp đá móng kia được lu lèn cẩn thận, người ta làm tiếp một lớp đá 4x6 nhỏ hơn và tiếp tục công đoạn lu lèn, đến khi mặt móng đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, thì người thợ tiếp tục rải lên một lớp hỗn hợp đất đá nhỏ hơn gọi là cấp phối để làm lớp áo trên mặt đường, lúc bấy giờ đã êm thuận, đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông trên tuyến. Cứ qua khoảng ba năm khai thác sử dụng, người ta lại phải rải thay một lớp áo khác, nghĩa là một lớp cấp phối đá dăm nước khác… Thế nhưng đường đèo Phường Rạnh được làm một lần từ bấy rồi thôi, bỏ hẳn cho nắng mưa trần thế, chẳng một ai ngó ngàng đến, thử hỏi còn gì chịu nổi với thương hải tang điền, thử hỏi Trung Phước kia với Trà Kiệu dưới này có xa xôi mấy mà phải chịu cảnh gần nhà xa ngõ…?!
GIÓ
       Hơn ba mươi năm đi lại nẻo đường một thời mình yêu đương hò hẹn, cảnh cũ mà người nay đã dở dang rồi danh phận, làm sao không bùi ngùi cho được? Thì kia, dòng Thu Bồn quanh co như trêu cợt, chợt ẩn chợt hiện dưới tầm mắt mình. Những đêm trăng xa xưa ấy chúng tôi cùng với dòng sông trong veo ngọt mát, với người mình yêu mến biết bao lần tình tự, giờ thì sông vẫn đấy mà tuổi tác bạc màu, hưng phế đã thăng trầm sông núi bảo sao đời người không phiêu dạt phong trần, ngày mộng mơ nào nên thơ đến vậy, giờ đây áo cơm đùm túm mặt cau mày cú thì còn đẹp nỗi gì. Đừng nói chi ai, chính tôi và người bạn đời của tôi hôm nay làm sao tìm lại được thời son vàng của một đời người đã trôi chảy như sông, chưa phụ phàng nhau mà đã mất nhau rồi, mất chính mình một thời tươi đẹp nhất.
                                                                                   ( Còn tiếp)

                                                                     Tam kỳ 30/8/2013
                                                                      Nguyễn Đức Dũng




Từ những cung đường - (Phần II)
                                                                                  Ghi chép
       Đặt chân lên được thị tứ Trung Phước của huyện Nông Sơn mất hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ, thay vì chỉ cần non nửa giờ nếu như con đường được đúng như tên gọi. Hú vía! Có lẽ nhờ vào sự phù hộ độ trì của những vị thần cai quản bổn xứ linh thiêng thương tưởng. Dọc trên đường đèo, quạnh quẽ mấy ngôi miếu thờ u linh giữa thâm sơn cùng cốc, tôi và Gia Ly, phóng viên thường trú tại Quảng Nam của báo Đời sống & Pháp luật đã dừng chân dăm ba phút vào thành tâm thắp mấy nén hương kính ngưỡng. Nói dại chớ lỡ chỉ cần một chiếc xe máy của nhóm dỡ chứng thì chẳng biết đám nghệ sỹ nửa mùa chúng tôi sẽ cười khóc thế nào cho thấu đến tai trời…    
       Cảm khái trước cách đi đứng có phần lạ đời còn rơi rớt đến tận thế kỷ hai mươi mốt này, vậy mà không biết nhờ đâu, thi hứng cứ trào dâng trong mỗi nỗi hào sảng của mọi người. Ghé vào quán cà phê Trúc Ly trông rất xinh ở đầu “phố”, chưa kịp yên vị đã nghe nhà thơ Phạm Thông ngân nga mấy câu thơ Quang Dũng. Mà thật, trước tình cảnh này, tự nhiên những “Đôi bờ”, những “Quán bên đường” rồi “Đôi mắt người Sơn Tây” sao nó hợp tình hợp cảnh quá. Mọi người lõm bõm hòa theo: “Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai/ sông xa từng lớp lớp mưa dài/ mắt kia em có sầu cô quạnh/ khi chớm thu về một sớm mai…”. Cũng bởi bất chợt sinh tình nên cả bọn không một ai nhớ đến đầu đến đũa những thi phẩm nổi tiếng trong thi đàn nước nhà. Gia Ly nhanh trí lôi cái laptop trong ba lô ra gõ google, thế là chúng tôi chuyền tay nhau giữa quán mà hưởng trọn một chiều thơ lịch duyệt, chẳng phải ngại ngần gì mấy người khách đang ngồi nhâm nhi ở bàn bên cạnh…
NÚI NÔNG SƠN
        Điện thoại cho nhà thơ Hà Văn Đa, anh bận đi tập huấn ở ngành giáo dục huyện, chúng tôi đành bỏ dỡ cuộc hội ngộ mong chờ. Thế là phải sớm rời cái thị tứ đang nhăm nhe nổi danh nhờ vào việc sôi động của nghề làm trầm cảnh xuất khẩu, một cơ hội mới hứa hẹn sự đổi đời cho những cư dân  vùng cao nơi thượng nguồn sông Thu này. Chúng tôi tìm đường lên làng Đại Bường, vùng cây trái Nam bộ thu nhỏ giữa núi non xứ Quảng. Từ chợ Trung Phước, chỉ tà tà khoảng chưa đến năm cây số, chúng tôi rẽ về bên tay phải ở một ngã ba đường, đây là lối vào mỏ than Nông Sơn, một dạng vàng đen mà để khai thác được nó phục vụ cho các ngành công nghiệp, từ xưa đã để lại biết bao nhiêu buồn vui của phận số con người. Thì cũng vào tầm này đúng mười năm trước, một chuyện thương tâm đã xảy ra do cảnh ngăn sông cách đò, ta như còn cảm thấy xốn xang trong lòng mỗi khi nhớ đến 18 em học sinh đã ra đi mãi mãi, để hôm nay khi qua chiếc cầu Nông Sơn được xây dựng bởi sự chung tay góp sức của cả xã hội, không ai nén nổi ngậm ngùi, âu đành phú cho định mệnh. Lại một cú rẽ phải nữa khi qua khỏi cầu, chúng tôi chạy xe trên con đường bê tông vòng vèo một con đèo mi ni trông rất hữu tình, từ đây nhìn ngược lại, cầu Nông Sơn bắc qua sông Thu ở giữa hai ngọn núi, Cà Tang phía nam và Nông Sơn phía bắc, án ngữ tả hữu dòng sông, trông xa như sông ấy, núi ấy và cầu ấy là một chỉnh thể không làm sao khác được, vậy mà phải đợi đến “Khai trường này vắng bóng các em/ mười tám chỗ ngồi thất thần chờ đợi/ mười tám bàn thờ mờ trong hương khói/ mười tám góc nhà/ cặp sách im treo…” – (Cà Tang - N.T.T)…Nhưng thôi! Chẳng làm sao cải sửa được mệnh trời. Bên nỗi buồn đau đã dần lên sẹo ấy cũng có điều làm cho lòng người được an ủi, một nhà máy nhiệt điện công suất lớn, bề thế đang trong giai đoạn nước rút, xe máy hối hả thi công những hạng mục lắp ráp cuối cùng. Trên công trường, đây đó từng nhóm công nhân miệt mài làm việc giữa mịt mù bụi khói. Lúc chạy xe ngang qua những người thợ ấy, tôi lại nhớ về những tháng năm trai trẻ đắm đuối với nghề cầu đường của mình, gian khổ rất mực mà hạnh phúc cũng đã đời, chỉ mỗi tội nghèo do đồng lương của người lao động luôn bèo bọt. Đến tận hôm nay, cuộc sống tuy đã đổi thay nhiều, chế độ chính sách, những sự quan tâm điều chỉnh về việc làm và thu nhập dần được cải thiện, nhưng đối với người lao động chân tay trong các công trường, xí nghiệp vẫn còn ì ạch so với giá cả thị trường, những nhu cầu căn cơ phục vụ đời sống vật chất, tinh thần vẫn còn là điều xa xỉ đối với hầu hết giới công nhân lao động. Đi nhiều, gặp gỡ nhiều những cảnh ngộ mới mở lòng mở mắt mình thêm ra, mới thấy rằng còn biết bao nhiêu gian khó, thách thức luôn đồng hành trong cuộc chiến đấu sinh tồn và phát triển, luôn nhắc nhở ta những giá trị đích thực về ý nghĩa của đời sống.
CỔNG LÀNG ĐẠI BƯỜNG
        Đại Bường là cách gọi khác của làng Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Một dải đất hẹp bên tả ngạn sông Thu Bồn. Anh Từ Văn Hải, một cư dân cho biết, làng có bề rộng từ chân núi ra sông khoảng 1 cây số và men theo giòng chảy độ 3 cây số chiều dài. Hơn 1200 nhân khẩu trên gần 350 hộ. Chủ yếu sống bằng nghề nông, làm lúa ruộng nước trời và trồng cây ăn trái vườn nhà. Điều đặc biệt là giữa miền Trung này lại có một ngôi làng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cho các loại cây trái miền Nam sinh trưởng. Đi trên những con đường nhỏ đã được đổ bê tông quanh co cùng khắp xóm làng, những cổng ngõ đặc trưng của quê nhà còn được lưu giữ hết sức chăm chút, thẳng tắp những hàng chè tàu cắt xén đẹp mắt. Một chi tiết khá lý thú là trong ngôi làng này cổng ngõ chỉ để trang trí và mang nghĩa giới hạn về quyền sở hữu, tối ngủ mọi người không cần phải đóng cửa, xe máy đắc tiền thoải mái để ngoài trời chưa hề xảy ra mất cắp. Nhạc sỹ Mặc Ly không bao giờ đóng cửa ngõ kể cả khi gia đình có việc vắng nhà cả tháng trời…Chỉ dạo chơi chưa trọn nửa ngày nơi đây, vậy mà ta có ngay niềm tin về sự trù phú và yên bình, một mong ước không phải dễ dàng đối với rất nhiều vùng miền nông thôn nông nghiệp tính đến thời điểm hiện tại. Hầu như nhà nào ở đây cũng có một mảnh vườn tốt tươi xinh xắn. Nhìn vào sự đa dạng của các chủng loại cây trồng, sự phong phú về sắc độ của màu lá, ta biết đất đai này phì nhiêu vào loại “nhất đẳng thượng điền”. Thậm chí đến như những loài hoa cảnh ở mỗi sân vườn nhà kia cũng mơn mởn và rực rỡ, bụ bẫm những cánh hoa đang khoe màu trong nắng gió. Đúng là ưu ái quá mực của đất trời đã riêng ân sủng cho con người sinh ra trên mảnh đất này. Nhà thơ Hoàng Quy, đang sinh sống tại Cần Thơ vừa về thăm quê, đưa chúng tôi đi thăm mảnh vườn của mẹ ông để lại. Bên bờ sông, sau hàng tre xanh nghít trồng dày đặc để chống xói lở là một khu vườn rộng cả mẫu đất, mịn màng dưới chân người lớp đất pha cát thấm đẫm phù sa. Vịn vào một cây bưởi mà gốc chỉ bằng nắm tay quằn trĩu cành nhánh lúc lỷu quả, nhà thơ hồi hương cho biết thêm, đa số các loại cây đặc chủng này do một tay ông nội của nhà thơ đem từ trong Nam về nhân giống rồi phát triển rộng khắp cả làng, để hôm nay đi giữa Đại Bường, sum suê dưới những tán lá không biết bao nhiêu là thanh trà, một loại bưởi quý Nam bộ mà người Quảng Nam ta gọi là trái trụ, có vị ngọt thanh, ngõ Tiên Phước cũng trồng như một đặc sản nhưng không đại trà bằng. Ngoài ra còn có sầu riêng, cam, quýt, chuối, mít, chôm chôm v.v… Đến nỗi chỉ cần một vài kênh rạch ngang dọc nữa thì nơi đây không hề khác gì một vùng quê chuyên canh trái cây của Nam bộ.
       Đêm, trời se lạnh. Bữa cơm tối có phần thịnh soạn do vợ chồng anh Hải chiêu đãi. Vốn là một nông dân kiêm thợ hồ năm nay vừa qua tuổi bốn mươi, nhưng trông vào cơ ngơi xem ra đã tương đối ổn định. Từng quảy gánh tang bồng theo bạn nghề mưu sinh tứ xứ. Hải giải nghệ khi Nông Sơn rộ nghiệp trầm, hiện nay anh là một trong số bốn cơ sở sản xuất trầm cảnh để xuất khẩu của làng. Hải có bốn “nghệ nhân” rất trẻ làm việc trong “biên chế”, với mức lương hai trăm ngàn đồng trên một ngày công kèm cơm rượu khề khà. Hầu hết thanh niên ở làng bây giờ đều bị hút vào nghề trầm cảnh, việc nông tang chỉ còn dành lại cho người già và phụ nữ, nhờ vậy, mức sống xem ra tươi nhuận hơn trước nhiều. Nhìn những “tác phẩm” trầm cảnh bày bừa bộn trong nhà ngoài sân, tính sơ có cả bạc tỷ để khơi khơi chẳng cần kín cổng cao tường. Qua chuyện trò, chúng tôi thấy rằng đằng sau những hứa hẹn đổi đời kia, là những lớp sóng ngầm cũng đang song hành, ở đó thể hiện bản lĩnh của con người dám xông xáo, nhạy bén và có gan liều lĩnh. Nhiều thách thức đòi hỏi cơ mưu linh hoạt của một “tay chơi” sành sõi. Đấy là một tín hiệu đáng mừng mà cũng đáng cân nhắc trong thời buổi làm ăn kinh tế khó lường, thấp thoáng sự dấn thân, một yếu tố “nghiệp tính” phần nhiều thường chỉ dành cho giới văn nghệ sỹ.

                                                                          Tam Kỳ 01/9/2013
                                                                         Nguyễn Đức Dũng

       



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét