ĐỌC THƠ
Còn sống trên đời ta bạn còn vui
Ta về lại Tam Kỳ cho đỡ nhớ
Bạn mời ta đặc sản cơm gà
Ta mời bạn uống cà phê quán
Thơ với đời xúm xít bạn và ta
Ta đã ra đi xa nơi quê quán
Sống tha phương một quãng đời dài
Bạn ở lại sơn khê cùng cốc
Bên quán chiều ly rượu lai rai
Lữ khách đêm mơ về cố quận
Tiễn điệu buồn theo khói thuốc bay
Bạn với chén rượu khà một tiếng
Cho hả lòng hả dạ cơn say
Cơm áo đã nửa đời phiêu dạt
Ngựa rũ bờm bên núi non xưa
Gác đao lại chôn rìu bên núi
Về đây năm mới cũ giao thừa
Về đây với chút tình bằng hữu
Thơ không còn bay bướm như xưa
Bạn đừng trách ta làm thơ dở
Thơ với đời như sớm nắng chiều mưa
Ta với bạn gặp đây cũng đủ
Vạn sự có may rủi hên xui
Dòng đời chảy mênh mang sinh tử
Còn sống trên đời ta bạn còn vui
Vũ Khắc Tĩnh
( Trích trong tập thơ BÊN TRỜI SƯƠNG KHÓI
NXB Văn Nghệ -
2007)
Đúng ra thì đây là một bài thơ chưa “thật
sự hay“ như tác giả đã tự nhận: “Bạn đừng
trách ta làm thơ dở / Thơ với đời như sớm nắng chiều mưa...” Nhưng “Còn
sống trên đời ta bạn còn vui“ là một tâm tình cần ghi nhận :
Ta về lại Tam Kỳ cho đỡ nhớ
Bạn mời ta đặc sản cơm gà
Ta mời bạn uống cà phê quán
Thơ với đời xúm xít bạn và ta
Phải nói là yêu Tam Kỳ và nhớ Tam Kỳ hung
lắm mới viết được mấy câu rất thô nhưng lại rất tâm tình đến thế
Ở đâu trên dặm dài đất nước này lại không
mang máng như đoạn thơ trên? Và ở đâu trong những vùng miền của một dân tộc được
coi là yêu thơ vào hạng thượng thừa này lại không có dáng dấp đã trình bày...
Nhưng Tam Kỳ thì đặc biệt hơn, đúng y như đề cập.
Từ ngày còn là một thị xã nhỏ cỡ lòng bàn
tay nằm vào vị trí trung độ trên hành trình Nam Bắc. Tam Kỳ đã để lại không ít
nguôi ngoai cho những ai có dịp ghé qua
và “dừng chân đứng giữa trời non nước..”
(bà H.T.Q) ở Tam Kỳ bởi một quán Bà Tề thơm nức mũi người qua. Bởi một món Cơm
Gà ngon nổi tiếng. Một cà phê Đợi, một Sanh Hưng hay bất kỳ một góc quán bình dân
nào khi tạt vào nhâm nhi ly cà phê trong tay một sớm thiết tha nhạc Trịnh. Bởi
những con người quê kiểng tình cảm, chân chất và hồn hậu. Bởi một vùng đất đai
“có phố có làng”, có con sông nhỏ hiền hoà trong xanh và thơ mộng vắt ngang qua
một đầu phố thị như lời nhắn nhủ thiết tha và lưu luyến. Rồi ra để lại nhiều nhớ
nghĩ ở lòng người từ cái nơi chốn còn rất nghèo, rất “kỳ”, rất dễ thương dễ chịu
và dễ sống này.
Đó là với khách đường xa. Huống hồ...!
Hai khổ thơ tiếp sau làm nhớ đến câu hát
vui mà chỉ ở Tam Kỳ mới có và “chính xác đến trăm phần trăm chất lượng sản phẩm“
của những tay thích lai rai ba xị được cải biên từ một câu hát ru ông bà xưa để
lại “Chiều
chiều lại nhớ chiều chiều / vợ con không nhớ mà nhớ Năm Rìu, Chín Ngư “...Tuy
nhiên ở đây còn có một điều gì đó rất cảm khái :
“ Bạn với chén rượu khà một
tiếng
“ Cho hả lòng hả dạ cơn say
Sao mà nghe như tráng sĩ hề !
Mà không tráng sĩ hề sao được khi máu
giang hồ lãng tử một ngày bất chợt nổi lên lôi tuột người thơ của chúng ta “...ra đi nơi xa quê quán“ làm cuộc Hành phương nam (N.B) như nhiều tâm hồn
vỗ cánh trẻ trai để rồi cũng bất chợt một ngày” Lữ khách đêm mơ về cố quận” thẩm thấu nỗi buồn tha hương cố lý
“ Cơm áo đã nửa đời phiêu bạt
“ Ngựa rũ bờm bên núi non xưa
Té ra cũng bởi cuộc tồn sinh cơm áo thôi
mà! Nhưng sự thể lại tình người không vẹn, nên khi nguội lạnh tang bồng và mòn
hao niềm háo hức trời xa đất rộng, đã khuyết vẹt một mộng ban đầu du lãng. Mái
xanh phủ màu sương gió giữa va đập xứ người và huyễn hoặc phù sinh. “Lão Mã” lại
quay đầu về núi cũ, rung bờm bạc thếch mưa nắng phong trần mà ngân vang giọng hí
quê hương lúc đất trời giao hoà và người xa lục tục hành trang hoàn cố xứ. Hỏi
còn nỗi niềm nào ngậm ngùi hơn? Đây cũng chính là tâm sự mang mang tấc lòng tác
giả. Tôi – Tin - Thế!
“ Về đây với chút tình bằng hữu
“ Thơ không còn bay bướm như
xưa
Và :
“Dòng đời chảy mênh mang sinh tử
“ Còn sống trên đời ta bạn còn
vui...
Một – Quá -Trình - Tự - Nhận - Thức.
Qua rồi cái thời màu mè câu chữ và hoa mộng trời xa. Điều còn lại chính là tình
người sau những biến cải và sàng lọc thế nhân để nhận chân giá trị của đời người,
quê hương và cuộc sống.
Và như đã trình bày ở phần đầu bài viết
nhỏ này, Tôi xin tô đậm suy nghĩ của mình về điều yêu mến ở bài thơ. Đó là một
thái độ sống an nhiên tự tại, biết vui, biết quý, biết trân trọng những gì ta có
được, còn được từ cuộc đời này, mà để tường tận ý nghĩa tưởng chừng đơn giản ấy,
đôi khi phải đánh đổi bằng một cái giá không hề đơn giản
Quảng Nam
14/6/2007
Nguyễn Đức Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét