Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Võ Bá - BÁT CƠM CỦA MẸ


               



Bếp quê củi rác khói đen
Ống tre thổi ngọn lửa nhen bập bùng
Bát cơm mẹ ngọt vô cùng
          Con ăn mỗi hạt ơn trùng vạn thiên
                                                 V.B


Võ Bá - TÍCH CŨ

          

                     

Buổi nghèo thiếu đói ruột đau
Củ ăn mót cả khoai hàu, sắn heo
Bóng gầy in vách phên treo
Mẹ ngồi lút giữa cái nghèo của quê

                                 V.B

Võ Bá - HẠT GẠO ĐI TU

           



Chà vo chịu đựng xóc nhồi
Kinh qua lửa đỏ nước sôi. Đau nhừ
Ủ, hông nóng bức ngục tù
Thành cơm - hạt gạo phải tu bao đời

                                       V.B

Nguyễn Thị Đương - TÌNH CHA


                                                                              

          Ông đến ngồi cạnh tôi và nói:
           - Con ta đó hả bay?
          Ổng say hay giả vờ say, tôi cũng chẳng biết nữa. Hôm nay là đám cưới con gái lớn của ổng mà. Tôi là khách được mời đến. Bàn tôi ngồi chỉ những đứa bằng hoặc lớn tôi vài tuổi. Có người cười nhạo  câu nói ấy. Ổng nói vô tình hay cố ý thì chẳng ai mà biết được. Tôi hỏi vu vơ một anh ngồi bên cạnh:
          - Anh có nghe ổng nói gì không?
          Anh gật đầu nhìn tôi ái ngại.
          Tiếng nhạc vẫn cứ xập xình, tiếng quản trò vẫn cứ oang oang lấn át tiếng cười nói của mọi người. Tôi im lặng khi ông vẫn ngồi đấy. Tôi không đủ dũng cảm để nhìn vào mắt ổng. Dù rằng tôi chua một lần được nhìn vào đôi  mắt ấy.  Đôi mắt tôi cay cay, tôi cố che giấu. tôi cười gượng với mọi người. Cái gượng gạo không che lấp được, vài giọt nước mắt chảy ra. Cái cảm xúc thế nào nhỉ, khi lần đầu tiên nghe từ " con " từ miệng người cha đẻ mình thốt ra. Mặc dù đã 23 tuổi nhưng vẫn như trẻ con vậy.  Đôi khi con người ta là vậy. Tôi cố trấn tỉnh mình nhưng cứ nghĩ đến từ con thì không thể chịu đựng được. "Không biết khi buông câu đó, ông ta có nghĩ đến cảm xúc của tôi không nhỉ? "Tôi nghĩ vậy. " Ôi cái suy nghĩ chết tiệt, nó khiến tôi càng muốn khóc, tôi không  muốn vậy mà". Không thể chịu đựng được nữa, tôi chạy ra ngoài nức nở. Mấy người xung quanh nhìn tôi như nhìn sinh vật lạ. Tôi tự nhủ" Chắc họ nghĩ mình ăn ớt cay". Chẳng ai hiểu được cảm giác của tôi lúc đó?  Cũng chẳng ai hiểu được vì sao tôi khóc. Cái cảm giác vừa tủi vừa hạnh phúc khi lần đầu tiên nghe cha đẻ nói câu vu vơ trong lúc say rượu .
          Chuyện xảy ra đã từ rất lâu rồi, khi tôi còn chưa sinh ra. Tôi là kết quả của chuyện tình dang dở giữa mẹ tôi và ông ấy. Cái thời ấy người ta còn sống với những hủ tục lạc hậu. Mẹ tôi tuy không đẹp nhưng có nước da trắng, khuôn mặt dễ nhìn. Còn ổng thì đi lính. Hai người ở hai thôn gần kề nhau. Khi ổng đi lính về, chuẩn bị hỏi cưới mẹ tôi ai ngờ gia đình lại phản đối. Bỗng dưng họ chê mẹ tôi xấu xí, lùn tịt, con nhà nghèo. Rồi họ cưới cho ông ta một cô vợ khác, một người mà họ cho là hoàn hảo. Chuyện tình thế là xong, họ thích thì đồng ý, không thì thôi. Thật tội nghiệp cho cái thân gầy của mẹ tôi, bà phải chịu đựng những nỗi đau đớn, tủi nhục để sinh ra tôi. Sau này, người ta sáp nhập thôn, thế là ổng và mẹ tôi sống cùng thôn, ổng ở xóm trên, mẹ tôi ở xóm dưới. "Không biết những lúc họp thôn hay thực hiện các hoạt động ở xã, thôn ổng nhìn mẹ mình thế nào nữa". Còn mình" Ổng nghĩ gì về mình. Có bao giờ trong thâm tâm ổng nhận mình là con không?". Tôi vẫn thường trằn trọc với những câu hỏi ngu ngơ ấy để thức đến tận khuya. Cái cảnh đời vẫn cứ trêu ngươi con người, ổng không nhận tôi thế mà tôi lại giống ổng như đúc. Giống đến cả móng chân, móng tay.
          Đối  với tôi, ông ta chưa một lần giám nhìn vào mặt tôi, hễ thoáng thấy bóng tôi là ổng quay đi chỗ khác, trừ lúc tôi còn nhỏ, chưa biết gì. Tôi nhớ ngày xưa, khi tôi còn rất nhỏ, ổng có mua cho tôi mấy cây cà rem. Không hiểu vì sao tôi cầm lấy rồi vứt đi. Vì tôi ghét ổng hay vì cái gì tôi cũng chẳng biết nữa. Nếu là ghét thì vì lí do gì? Tôi vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Hay có cái gì mách bảo tôi phải xa lánh ông ta. Tôi không hiểu và cũng chẳng muốn hiểu. Và tôi cũng chẳng biết ông ta nghĩ gì nữa. Lúc đó tôi không cảm nhận được. Bây giờ tôi cũng chẳng cảm nhận được. Tôi vẫn cứ ngỗ nghịch như những đứa trẻ khác.
Rồi mẹ tôi cũng có chồng, tôi sống với dượng và mẹ. Rồi tôi cũng có những đứa em. Cái cảnh bữa ăn, bữa nhịn đã khiến dượng tôi trở nên cáu gắt, đặc biệt là khi có tôi. Không biết vì ghét tôi hay sao mà lúc nào tôi cũng thấy dượng ở nhà còn mẹ thì làm lụng vất vả. Mỗi khi làm về còn đèo gùi củi thật to, những bó rau ranh, rau má hay con ốc, con cua,...
          Cuộc sống cứ thế trôi qua, tôi cũng lớn dần. Nhớ  lúc tôi học lớp 4, 5 gì đó, trong một lần xuống quán tạp hóa, tình cờ tôi gặp ông. Tôi và ổng đi đối diện  nhau. Không biết ổng có nghĩ gì không nhưng trong  lòng tôi có những cảm xúc rất khó tả. Những người ở đó nói rằng:
          - Con ông kìa! Răng làm lơ luôn rứa?
          Ông cười nói như không có chuyện gì. Còn tôi, tôi cảm thấy khó chịu với những lời nói ấy. "Tôi ghét phải chạm mặt với ông. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy ông dù bất kì ở đâu, nơi nào trên thế giới này". Bỗng dưng tôi có suy nghĩ như vây.
Tôi chưa bao giờ được bàn tay của người cha chăm sóc, và tôi cũng không hiểu được cảm giác ấy thế nào nữa, đến cả bây giờ. Đôi lúc nhìn con bạn ở gần nhà được ba dẫn về nội, ngoại tôi thèm lắm." Ước gì mình cũng có nội như vậy nhỉ. Nếu có nội, chắc nội sẽ yêu thương mình lắm đây? Mình sẽ ở với nội cả ngày như mình đã ở với ngoại. Cái cảm giác được nội chăm ẳm chắc hạnh phúc lắm nhỉ". "Còn ba, giá như mình cũng có ba thì chắc mình cũng đỡ tủi. Sẽ không còn ai giám trêu chọc mình nữa. Mình sẽ có ba để khoe với cái Tý nhà bên, với mọi người, sẽ không còn ai chọc mình là đồ không cha, là đứa con ngoài giá thú nữa. Và thằng Bin nghịch ngợm cũng không giám bắt nạt mình nữa. Mình cũng sẽ được quây quần với cha, mẹ. Cũng được nũng nịu như những đứa khác, rồi được ba dỗ dành, an ủi. Rồi những lúc ba đi xa về, mình cũng được sà vào lòng ba reo lên:
          - A! Ba đã về. Con ở nhà ngoan lắm, ba mua quà cho con chứ?  Rồi ba bồng tôi lên và nói:
          - Con gái ngoan của ba. Ba mua cho con búp bê nè.
          Và hai cha con cùng thủ thỉ chuyện trò".
          Ôi những ước mơ xa vời. Bao giờ nó thành hiện thực nhỉ. Thật ra tôi chỉ mơ mộng và tưởng tượng thế thôi, tôi biết nó chẳng bao giờ xảy ra với tôi. Mẹ tôi cũng chưa bao giờ biết được những suy nghĩ của tôi, chắc bà vẫn thường nghĩ rằng: tôi là một người mạnh mẽ. Trước mặt bà tôi vẫn thường tỏ ra là người mạnh mẽ. Tôi không muốn bà buồn phiền về tôi. Cuộc đời bà đã khổ quá nhiều rồi Những đắng cay tủi cực đều đổ lên đầu bà, đều dồn lên trên đôi vai gầy nhom   của bà. Lúc nhỏ khi bị bạn bè trêu chọc tôi thường, chạy về nhà tìm bà và nức nở. Bà dỗ dành tôi, xoa xoa đầu tôi. Thế là tôi nín. Khi dần lớn lên, tôi biết rằng, lúc đó bà không còn nước mắt để khóc, nước mắt của bà đã chảy ngược vào trong. Và cũng từ đó tôi quyết tâm làm một người mạnh mẽ.
Năm tháng lặng lẽ trôi, tôi đã thực sự trưởng thành, những kí ức về tuổi thơ không có cha đã lùi xa vào dĩ vãng. Tôi cứ ngỡ rằng tôi sẽ chẳng bao giờ nhìn mặt ông ta, vậy mà tôi đã bật khóc với lời nói vu vơ ấy. Với người khác hẳn rằng đó chỉ là câu nói bông đùa nhưng với tôi, nó là cả một cuộc đời, cả một niềm hạnh phúc. Tôi vẫn thầm cảm ơn ông  thốt ra câu ấy, dù rằng ông  chỉ nói trong lúc say.
                                                 
                                                                                                  Nguyễn Thị Đương



Nguyễn Thị Đương
Địa chỉ: Trà Kót,  Bắc Trà My, Quảng Nam

sđt: 01656283113

Võ Bá - CÂY ĐA Ở CHÙA VIÊN GIÁC HỘI AN

              



Một tay che nắng sân chùa
Một tay che chợ bán mua phía đời
Tai vui - kinh kệ diệu vời
 Tai buồn - nghe lỗi lầm lời thế gian

                                     Vô ngôn, một tấm lòng vàng
                                 Bốn mùa đa lợp xanh tàng lá che...
                                                                          V.B


Cẩm Giang - Có những mùa mưa qua



Ngồi ngắm những cơn mưa dai dẳng trong lòng lại trỗi dậy những kí ức xa xăm. Đã rất lâu rồi… mỗi khi mưa về tôi lại cuộn mình vào tấm chăn ấm, chỉ mặc sức miên man theo những suy nghĩ về cuộc sống, dường như quên bẵng những ngày mưa dầm khi còn nhỏ. Dạo trước nhà tôi còn ở trên một vùng núi cao, nơi chi thưa thớt vài mái nhà tranh vách nứa, mỗi nhà có một khoảng vườn rộng rịch với cả vườn cây um tùm, càng làm cho xóm núi thêm thâm u, nhất là những chiều mưa rừng dai dẳng. Khi ấy nhà tôi nghèo lắm, có bốn chị em, chị hai chỉ mới mười ba tuổi, vậy mà ngày nào cũng theo ba má vào rừng, gánh hàng cho những bãi vàng xa hút. Có hôm chị hai về, người ướt sũng, mặt tím tái vì lạnh. Gọi hoài không thấy đứa nào í ới, đến khi chị lục tìm trong bục phản mới phát hiện ba đứa chui vào ngủ lăn quay, chị hôn nhẹ lên má từng đứa.
Tối đến, ba má về chúng tôi bò dạy chui ra khỏi bục như những chú chó con, đầu hơi mụ đi vì bị “mặt trời đè”. Bếp củi sưởi ấm cả gian nhà lá cùng với những mẫu chuyện má kể xua tan cái giá lạnh bên ngoài. Má tôi lại ca lên vài câu cải lương cho cả nhà nghe. Lúc trước khi còn ở quê, má hay đi diễn cải lương trên Đình, từ dạo theo ba lên núi má quên hẳn những buổi sinh hoạt, thằng Út vẫn nhụi đầu vào lòng má nũng nịu, nhưng tôi vẫn cảm nhận hơi ấm đã kịp tỏa ra bao bọc căn nhà nhỏ dù bên ngoài mưa vẫn rơi và gió rít lùa vào kẽ phên hun hút.
Ba tôi vừa cười hiền lành vừa trút nồi sắn luộc nóng hổi ra rổ, mùa mưa cũng là dịp tôi được thưởng thức những món ăn “gia truyền” của ba, ba nói sắn luộc ở miền núi ít bở, mà đa phần bị sượng đi, nhưng ba đã  chế biến nó thành một món ngon lành. Ba gói những miếng sắn vào bọc ni lông, dùng chày đập nhuyễn đến khi miếng sắn bị cán thành một lát mỏng dính, ba gỡ ra đưa cho từng đứa, chúng tôi giành nhau chấm vào chén đường trắng má vừa trút ra, ăn đến ngon lành. Má cười bảo ngày trước làm gì đủ gạo, nên người ta làm vậy cho dễ ăn. Mấy chị em tôi không hiểu cái khổ ngày trước má nói hình dạng như thế nào, chỉ ngóng nghe rồi nhanh chóng chấm từng miếng sắn cho vào miệng nhai ngon lành.
Có hôm ba đổi món, ba lấy ra một ít bắp khô lâu nay má vẫn cất trên giàn bếp, ran với cát nóng nên mỗi hạt bắp nổ ra trắng như những bông tuyết, giòn tan. Đợi bắp nguội đi ba lại cho vào lon để giã nát, chỉ một lát sau khi trộn với đường và cho vào miệng thì cái mùi thơm lựng lan tỏa, cùng với cái ngòn ngọt của đường trắng. Vậy là chị em tôi được thưởng thức những món ăn vặt thường nhật nhưng đầy ắp hơi ấm của ba.
Vậy mà có dạo, tôi đi học xa. Cũng vào mùa mưa tầm tã, ba má gởi đứa bạn mang vào cho tôi một bịch bắp ran mà ba đã kì công giã nát, tôi nhận lấy từ đứa bạn mang về phòng rồi quên bẵng đi sự hiện diện của nó. Trời mưa, ở gần nhà tôi thuê trọ có rất nhiều hàng quán, bao nhiêu món ăn vặt, những nồi nước lều bốc khói nghi ngút và hương thơm gọi mời. Còn bịch bột bắp ngày xưa của ba vẫn nằm im lìm trên góc bàn lạnh ngắt…
Tôi về thăm nhà vào một ngày trời đã ngớt mưa, nhưng cái lạnh ở vùng núi cũng làm tôi phải co rúm bên bếp lửa như hồi còn nhỏ. Bữa cơm tối vẫn là những món tôi thích, đĩa thịt kho mắm thơm đậm đà. Ba gắp từng miếng thịt nạt bỏ vào chén tôi, còn những miếng thịt mỡ ba cho vào chén mình. Má bắt gặp ánh mắt nghi ngại khi tôi nhìn ba và từng đũa cơm. Má cười nói như giải thích, ba quen ăn thịt mỡ mà. Tôi đưa miếng thịt lên miệng mà nước mắt chực trào. Bao nhiêu năm rồi ba tôi vẫn vậy, ba vẫn thích ăn thịt mỡ. Chỉ một điều tôi chợt hiểu, ba để phần miếng ngon cho chúng tôi. Tôi sực nhớ tới bịch bắp ran ba gởi. Chút hổ thẹn trỗi lên giày vò mà tôi cố gắng vẫn không kìm được.
Mùa mưa vẫn chưa qua khỏi, những cơn mưa đã bắt đầu dữ dằn và nặng hạt như đưa tôi trôi về những miền kí ức xa xăm, nơi có ba má, có những điều bình dị nhất ru tôi ấm lòng khi mỗi bận đông về…


 Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Thị Cẩm Giang
Hội Văn học Nghệ thuật Tam Kỳ
56 Trần Cao Vân, Thành phố Tam Kỳ
Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 01662277995


Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

PHAN LY LY - Bánh xe đạp của cha

Hai bánh xe quay quay
Một bánh cong vành, bánh kia mòn lốp

Hai bánh xe quay quay
Một bánh bung tăm, bánh kia van hỏng

Hai bánh xe quay quay
Cha tôi chở củi, cha tôi chở rau

Hai bánh xe quay quay
Cha tôi chở mưa, cha tôi chở nắng

Hai bánh xe quay quay
Cha tôi chở tôi đến trường đại học

Hai bánh xe quay quay
Hai bánh xe quay quay...

                                                  P.L.L



( Theo tạp chí ĐẤT QUẢNG  số 118(240) tháng 01/2014)

LÂM NGỌC DUNG - Thăm chùa Từ Hiếu

một ngôi chùa ở xã đảo TAM HẢI- NÚI THÀNH

Trầm hương thơm ngát cảnh trần ai
Du khách thăm chùa một sớm mai
Hoa cũng lãng phai mùi tục lụy
Nắng vừa chấp chới chốn thiên thai
Thanh tao chim hót trên cành lá
Se sẽ người quỳ trước Phật đài
Trần thế vời xa trong thoáng chốc
Hồn mơ về cõi Đức Như Lai

                                                    L.N.D

                                          ( Thành phố Tam Kỳ)

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

PHẠM PHÚ HƯNG - Ký ức mùa sim


 

                                      Trở về đồi sim năm cũ
                                      Tìm lại tuổi thơ đánh mất tự lâu rồi
                                      Nổng cát trắng chiều vơi một nửa
                                      Kỷ niệm lấp vùi đào xới đâu ra

                                      Cô bé láng giềng – Chim sáo bay xa
                                      Bỏ lại đồi sim tím lòng viễn xứ
                                      Ở phương nào người ơi còn nhớ?
                                      Trái sim muồi hai đứa chia đôi

                                      Ký ức tuổi thơ ngày ấy xa rồi
                                      Đồi sim tím bầm nỗi nhớ
                                      Em và tôi còn mắc nợ
                                      Hẹn mùa sim chưa về hái một lần

                                      Bỗng một chiều nắng rớt bên song
                                      Bé người dưng tặng tôi chùm sim tím
                                      Hoàng hôn xuống và thu chợt đến
                                      Giữa hai mùa khoảng cách xa nhau

                                                Bé kia ơi! Sim tím một màu
                                                Tôi chợt nhận ra màu tim tím ấy
                                                Trái tim ngủ quên bừng thức dậy
                                                Xin được lần yêu màu tím hoa sim./.

                                                                                      Chớm thu 2011
                                                                                    Phạm Phú Hưng

PHAN THANH - Lòng mẹ



Tắm mình trong bể yêu thương
Mẹ ươm trái ngọt xanh vườn lộc non
Môi tươi sang nụ cười giòn
Gầy hao dáng mẹ ngày son thuở nào
Quảy đông giá gánh gió lào
Đưa nôi mẹ hát ngọt ngào lời ru
Về quê khóc giữa trời thu
Mẹ tôi giữa chốn thiên thu lại về
Con nghe ấm cả bốn bề
Vô biên lòng mẹ chẳng hề trách con…

                                                                               
                                                                                          Phan Thanh





PHAN THANH - Sân Xuân



Nhà thơ TÂM ĐIỀN - PHAN THANH
ĐOÀN PHẬT TỬ QUẢNG ĐỨC





Vuông sân một mảng chân quê
Tạm quên quang gánh bộn bề hai vai
Chào em cứ mỗi sớm mai
Hang cây vạn thọ,cúc, mai nở vàng
Xinh như hoa đẹp ngỡ ngàng
Đất trời nắng ấm em mang xuân về
Hái hoa hương sắc môi kề
Từ lâu xa vắng tình quê dạt dào

                                            P.T


LÊ TẤN TÀI - Vạn thọ đôi





Nhà mình xưa cũng vậy thôi.
Mẹ trồng trước ngõ một đôi thọ vàng.
Cái ngày mẹ đón Xuân sang.
Một bình “dung dị” trên bàn tổ tiên.

Cầu cho gia đạo bình yên.
Cầu cho an lạc khắp miền xa xôi.
Dẫu đời ta lắm nổi trôi.
Nhớ hoài bóng mẹ với đôi thọ vàng!!
                                

                                  Lê Tấn Tài

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

HỘI TRẠI PHẬT ĐẢN PL2557 GĐPT QUẢNG NAM TẠI CHÙA ĐẠO NGUYÊN

CHUẨN BỊ ĐÊM LỬA TRẠI
LỄ ĐÀI CHÍNH

VĂN NGHỆ

VĂN NGHỆ

MỘT TIẾT MỤC NGÂM THƠ CỦA NGHỆ SỸ LÊ QUANG THÁI

VĂN NGHỆ

DIỄN VIÊN NHÍ OANH VŨ

TIẾT MỤC VĂN NGHỆ CỦA MỘT HUYNH TRƯỞNG

TIẾT MỤC MÚA CỦA CÁC EM NGÀNH NỮ

CA SỸ NHÍ OANH VŨ

CỔNG TRẠI CỦA GĐPT TAM KỲ

NHỮNG ÁO LAM TÓC BẠC

CHUẨN BỊ SINH HOẠT CHUNG

PHỔ BIẾN NỘI DUNG SINH HOẠT

GIỜ NGHỈ

ĐÊM TRĂNG  PHẬT ĐẢN






THẮP LỬA TÌNH LAM


Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

PHAN CHÍ CAO - Vui niềm Khánh Đản

ThiHuwux LÊ QUANG THÁI đang ngâm thơ trong đêm hội trại
      
                
Trước Phật Đài linh thiêng
Chúng con khắp mọi miền
Cùng về đây tụ hội
Trong lòng như thầm nhủ
Sống trong sáng giữa đời

Phật có ở muôn nơi
Phật trong lòng cuộc sống
Trần gian đầy biến động
Phật trụ mãi trong tâm
Dưới bóng mát cây râm
Của mùa hè Quý Tỵ
Đi tìm chân thiện mỹ
Cũng không phải đâu xa
Phật ở giữa bao la

Đời ở trong khoảnh khắc
Xin đừng nhiều khúc mắc
Hãy trãi rộng lòng thương
Xin đừng nhiều vấn vương
Cho đời nhiều thanh thản
Nhân ngày trại Phật Đản
Ghi lòng mấy vần thơ

                                             Tam Kỳ - 2013
                                   Quảng Chí – Phan Chí Cao

                                 GĐPT Quảng Đức T/p Tam Kỳ

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

VŨ KHẮC TỈNH- Còn sống trên đời ta bạn còn vui

ĐỌC THƠ

    Còn sống trên đời ta bạn còn vui

Ta về lại Tam Kỳ cho đỡ nhớ
Bạn mời ta đặc sản cơm gà
Ta mời bạn uống cà phê quán
Thơ với đời xúm xít bạn và ta

Ta đã ra đi xa nơi quê quán
Sống tha phương một quãng đời dài
Bạn ở lại sơn khê cùng cốc
Bên quán chiều ly rượu lai rai

Lữ khách đêm mơ về cố quận
Tiễn điệu buồn theo khói thuốc bay
Bạn với chén rượu khà một tiếng
Cho hả lòng hả dạ cơn say

Cơm áo đã nửa đời phiêu dạt
Ngựa rũ bờm bên núi non xưa
Gác đao lại chôn rìu bên núi
Về đây năm mới cũ giao thừa

Về đây với chút tình bằng hữu
Thơ không còn bay bướm như xưa
Bạn đừng trách ta làm thơ dở
Thơ với đời như sớm nắng chiều mưa

Ta với bạn gặp đây cũng đủ
Vạn sự có may rủi hên xui
Dòng đời chảy mênh mang sinh tử
Còn sống trên đời ta bạn còn vui
                                   Vũ Khắc Tĩnh
                 (  Trích trong tập thơ  BÊN TRỜI SƯƠNG KHÓI
                               NXB Văn Nghệ - 2007)

     Đúng ra thì đây là một bài thơ chưa “thật sự hay“ như tác giả đã tự nhận: “Bạn đừng trách ta làm thơ dở / Thơ với đời như sớm nắng chiều mưa...” Nhưng “Còn sống trên đời ta bạn còn vui“ là một tâm tình cần ghi nhận :
            Ta về lại Tam Kỳ cho đỡ nhớ
            Bạn mời ta đặc sản cơm gà
            Ta mời bạn uống cà phê quán
            Thơ với đời xúm xít bạn và ta
     Phải nói là yêu Tam Kỳ và nhớ Tam Kỳ hung lắm mới viết được mấy câu rất thô nhưng lại rất tâm tình đến thế
     Ở đâu trên dặm dài đất nước này lại không mang máng như đoạn thơ trên? Và ở đâu trong những vùng miền của một dân tộc được coi là yêu thơ vào hạng thượng thừa này lại không có dáng dấp đã trình bày... Nhưng Tam Kỳ thì đặc biệt hơn, đúng y như đề cập.
      Từ ngày còn là một thị xã nhỏ cỡ lòng bàn tay nằm vào vị trí trung độ trên hành trình Nam Bắc. Tam Kỳ đã để lại không ít nguôi ngoai  cho những ai có dịp ghé qua và “dừng chân đứng giữa trời non nước..” (bà H.T.Q) ở Tam Kỳ bởi một quán Bà Tề thơm nức mũi người qua. Bởi một món Cơm Gà ngon nổi tiếng. Một cà phê Đợi, một Sanh Hưng hay bất kỳ một góc quán bình dân nào khi tạt vào nhâm nhi ly cà phê trong tay một sớm thiết tha nhạc Trịnh. Bởi những con người quê kiểng tình cảm, chân chất và hồn hậu. Bởi một vùng đất đai “có phố có làng”, có con sông nhỏ hiền hoà trong xanh và thơ mộng vắt ngang qua một đầu phố thị như lời nhắn nhủ thiết tha và lưu luyến. Rồi ra để lại nhiều nhớ nghĩ ở lòng người từ cái nơi chốn còn rất nghèo, rất “kỳ”, rất dễ thương dễ chịu và dễ sống này.
      Đó là với khách đường xa. Huống hồ...!
      Hai khổ thơ tiếp sau làm nhớ đến câu hát vui mà chỉ ở Tam Kỳ mới có và “chính xác đến trăm phần trăm chất lượng sản phẩm“ của những tay thích lai rai ba xị được cải biên từ một câu hát ru ông bà xưa để lại “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều / vợ con không nhớ mà nhớ Năm Rìu, Chín Ngư “...Tuy nhiên ở đây còn có một điều gì đó rất cảm khái :
               “ Bạn với chén rượu khà một tiếng
               “ Cho hả lòng hả dạ cơn say
       Sao mà nghe như tráng sĩ hề !
       Mà không tráng sĩ hề sao được khi máu giang hồ lãng tử một ngày bất chợt nổi lên lôi tuột người thơ của chúng ta “...ra đi nơi xa quê quán“ làm cuộc Hành phương nam (N.B) như nhiều tâm hồn vỗ cánh trẻ trai để rồi cũng bất chợt một ngày” Lữ khách đêm mơ về cố quận” thẩm thấu nỗi buồn tha hương cố lý
                “ Cơm áo đã nửa đời phiêu bạt
                “ Ngựa rũ bờm bên núi non xưa
       Té ra cũng bởi cuộc tồn sinh cơm áo thôi mà! Nhưng sự thể lại tình người không vẹn, nên khi nguội lạnh tang bồng và mòn hao niềm háo hức trời xa đất rộng, đã khuyết vẹt một mộng ban đầu du lãng. Mái xanh phủ màu sương gió giữa va đập xứ người và huyễn hoặc phù sinh. “Lão Mã” lại quay đầu về núi cũ, rung bờm bạc thếch mưa nắng phong trần mà ngân vang giọng hí quê hương lúc đất trời giao hoà và người xa lục tục hành trang hoàn cố xứ. Hỏi còn nỗi niềm nào ngậm ngùi hơn? Đây cũng chính là tâm sự mang mang tấc lòng tác giả. Tôi – Tin - Thế!
                “ Về đây với chút tình bằng hữu
                “ Thơ không còn bay bướm như xưa
       Và :  “Dòng đời chảy mênh mang sinh tử
                “ Còn sống trên đời ta bạn còn vui...
        Một – Quá -Trình - Tự - Nhận - Thức. Qua rồi cái thời màu mè câu chữ và hoa mộng trời xa. Điều còn lại chính là tình người sau những biến cải và sàng lọc thế nhân để nhận chân giá trị của đời người, quê hương và cuộc sống.
        Và như đã trình bày ở phần đầu bài viết nhỏ này, Tôi xin tô đậm suy nghĩ của mình về điều yêu mến ở bài thơ. Đó là một thái độ sống an nhiên tự tại, biết vui, biết quý, biết trân trọng những gì ta có được, còn được từ cuộc đời này, mà để tường tận ý nghĩa tưởng chừng đơn giản ấy, đôi khi phải đánh đổi bằng một cái giá không hề đơn giản
                                                                      
                                                            Quảng Nam 14/6/2007
                                                               Nguyễn Đức Dũng


Từ những cung đường


                                                                                     Ghi chép

CỔNG TAM QUAN CHÙA LẦU - DUY TRINH
      Tranh thủ mấy ngày nghỉ ở cơ quan, nhóm văn nghệ thèm đi quanh quanh đâu đó chúng tôi làm cuộc dạo chơi bằng xe máy. Tưởng tí chút thôi vậy mà cũng “xơi” được ba ngày hai đêm qua năm huyện từ đồng bằng đến trung du rồi miền núi của quê nhà.
      Thời tiết vào tháng bảy đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa bất chợt. Lần lữa đợi trời tốt lên, khô ráo lên cứ nhầm nhây hoài không chịu được. Thế là đã bốn giờ chiều, mưa vẫn còn dai dẳng và bầu trời xám xịt những đám mây nặng nề treo trên phía tây, nơi chúng tôi hướng đến. Bịt bùng trong tấm áo choàng mưa nhàu cũ, nhà thơ Phạm Thông trờ chiếc Dream cũng già cũ như chủ của nó vào tận cổng: “Đi thôi Dũng ơi! Mưa cũng đi, nghe khó chịu bụng dạ quá làm sao ngồi nhà cho được!”. Vậy là chúng tôi đi.
       Ba chiếc xe máy thủng thẳng qua màn mưa chiều nhằm theo QL IA chạy ra hướng bắc. Đang đợi ở Nam Phước là hai bạn thơ Sa Hoài Nhân và Võ Bá cũng nôn nao không kém. Hội quân tại căn nhà nhỏ bé ấm cúng và ngổn ngang sách của tay chơi ”bốn câu” Võ Bá thì đã huỳnh hôn rồi. Bữa cơm rau dưa được đưa đẩy với bầu rượu Hồng Đào nhĩnh hơn nắm tay người lớn một tí, phần thưởng thơ Nguyên Tiêu khiêm tốn hồi đầu năm mà chủ nhà cứ nâng niu để dành cho cuộc trà dư tửu hậu này. Chả phải Võ Bá “hiếu khách” gì đâu, chẳng qua là “bốn câu thi sỹ” cùng với bạn thơ Sa Hoài Nhân ở Duy Xuyên này vốn là “Người thơ nguyễn thị”, cả đời không bao giờ biết đến mùi vị của các loại men làm điếu đổ không biết bao nhiêu đấng anh hùng quân tử, mặc khách tao nhân. Thật là một thiệt thòi đến tội nghiệp. Vừa ăn cơm tối vừa bàn bạc kế hoạch và lộ trình, cuối cùng chúng tôi thống nhất hai phương án, một là lên nghỉ đêm trong khu đền tháp Mỹ Sơn để thực sự tận hưởng khoái cảm một khuya Chàm lung linh và huyền hoặc, hai là vào xin nghỉ nhờ ở Chùa Lầu xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên này. Do rề rà, khi liên lạc được với những người phụ trách khu đền tháp thì đã quá muộn, không thể sắp xếp được, cuối cùng chúng tôi đành phải vào làm phiền Đại Đức Thích Như Giải, trụ trì Chùa Lầu. Vừa từ Thành Phố Hồ Chí Minh về sau một chuyến đi, tuy mệt mỏi thế nhưng khi hay tin có anh em Văn nghệ sỹ đến thăm, thầy đã vui vẻ tiếp đón, qua mấy câu trình bày ngắn ngủi và có phần ngượng ngập của chúng tôi, thầy Như Giải nhẹ nhàng nhưng thân tình mời chúng tôi ở lại đàm đạo thơ phú và cho đệ tử sắp xếp nơi nghỉ ngơi chu đáo. Cũng duyên may lúc này còn có mặt bạn thơ Hồ Xoa, người Đại Lộc. Hồ Xoa và thầy Như Giải cũng cùng là nhóm bạn thơ phú với những Nguyễn Hải Triều, Huỳnh Minh Tâm, rồi nào Đỗ Thượng Thế, Nguyễn Vân Thiên v.v. và v.v…thuở nào.
      Thế là bên những tách trà bé xíu đáng yêu, hòa quyện với hương trầm ngát thơm và ấm áp, người Đạo kẻ đời cứ vậy say sưa những câu thơ thấm đẫm tình người, tình quê hương xứ sở, những câu thơ trĩu nặng lòng ơn nghĩa đối với đấng sinh thành đã một đời lao lực để nuôi con, chúng tôi quên đi khái niệm về thời gian đang trôi qua, tiếng đêm đã ngọt ngào ngoài kia, thời chuông mõ công phu đã tịnh tự bao giờ. Xa xa, tiếng thoi dệt đều đều trong khuya vắng của quê hương tằm tang nổi tiếng.
CHÚ TIỂU

        Sau bữa cơm tương chao đạm bạc mà tôn nghiêm buổi sáng cùng thầy trò bổn tự, chúng tôi từ biệt lên đường. Tuyến ĐT 610 này được mở rộng và nâng cấp bằng tiền tỷ tính trên đơn vị kilomet từ ngã ba Nam Phước đến ngã ba Duy Phú, lối vào khu thánh địa Mỹ Sơn. Được đưa vào sử dụng đầu những năm 2000. Lòng đường rộng thoáng và phẳng lỳ lớp thảm bê tông nhựa ASPHAL đã mở ra những vận hội mới cho vùng quê Duy Xuyên này, bởi đây là tuyến đường quan trọng phục vụ cho sự nghiệp phát triển du lịch, một nguồn thu không khói nhưng ỗn định và tiềm năng, không có mấy địa phương cấp huyện thừa hưởng được phúc trạch ấy. Cũng trên con đường này, từ sau năm 1975, để khắc phục và đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thời bấy giờ, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cũ đã thành lập Công trường 104 GTVT, đứng chân tại khu vực Chiêm Sơn, chịu trách nhiệm phục hồi tuyến đường này. Sau những năm tháng chiến tranh tàn phá, đường không còn ra đường, cầu cống đã sụp đổ gần hết, hầu như là tạm bợ. Tuổi trẻ 104 mà đa số là những thanh niên vừa rời ghế nhà trường, đã hăng say ngày đêm miệt mài để nối lại những tuyến huyết mạch giao thông, như nối lại mạch máu để dẫn lưu năng lượng nuôi cơ thể. Ở đơn vị này, tôi có những người bạn, những đồng nghiệp đã chia sẻ buồn vui suốt một cuộc đời nắng mưa gian khó, có người trở thành bạn đời của tôi bây giờ, có người trở thành bạn văn chương thi phú, và nhiều người đã ra đi. Nhà thơ Phạm Phù Sa ở Hội An là một…
         Khu thánh địa Mỹ Sơn hôm nay “sang trọng và hoành tráng”, đó là nói về việc quy hoạch và xây dựng các hạng mục mang tính dịch vụ. Nếu gọi cho đúng tên, thì Mỹ Sơn hôm nay xứng danh một Di sản UNESCO. Các khu tháp đã được trùng tu bài bản và khoa học, là người ngoại đạo, tôi chỉ có một cảm giác là Mỹ Sơn đã đẹp hơn lên, nề nếp hơn lên, không còn hoang liêu và buồn bã như lần tôi ghé thăm trước đây. Tự nhiên có một liên tưởng mang tính triết lý. Lần đầu đến thăm Mỹ Sơn là một chiều mưa năm 1993, khi ấy tôi được tăng cường đến hoàn thiện hạng mục gia cố lòng sông của cầu Bà Tiềm cho kịp nghiệm thu trước mùa mưa bão, từ công trường làm việc, đã hơn năm giờ chiều, tôi và hai công nhân, đồng đội của tôi mượn xe đạp bương đường tìm đến Mỹ Sơn. Qua khoảng 5 cây số đường lổn nhổn đá sỏi và nham nhở ổ gà, vào đến nơi trời tặng một cơn mưa như trút, ba chàng công nhân nhếch nhác bạc màu áo thợ cứ vậy vuốt mặt mà đi, mà nhìn ngắm. Lẫn trong lau lách hoang sơ, những ngôi tháp điêu tàn đổ nát nằm lặng lẽ dưới mưa, gây cảm giác hiu hắt buồn đến ngạt người, lúc ấy quanh co trong khu đền tháp chưa có đường dẫn rộng thoáng và đẹp đẽ như bây giờ, chúng tôi vẹt lau lách mà đi, mà nhớ tới thời mười bảy tuổi Chế Lan Viên đã làm kinh hoàng bầu khí quyển thơ Việt lúc bấy giờ ”Những ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”.
     Năm 2003, Hội VHNT tỉnh Quảng Nam phối hợp với vài đơn vị tổ chức Trại sáng tác VHNT thiếu nhi lần thứ nhất, Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Trung đăng cai, con gái lớn của tôi may mắn có tên tham gia. Do không tổ chức cho các em đi thực tế ở Mỹ Sơn như kế hoạch ban đầu, tranh thủ ngày nghỉ, tôi chở con gái tự làm một chuyến “thực tế sáng tác” Mỹ Sơn để cháu có trải nghiệm mà viết bài, nhân thể tôi cũng được thêm một bận đến với nơi quyến rủ ấy. Có lẽ mưa chỉ chờ cha con tôi mà ban phát hay sao ấy, từ Tam Kỳ đến Mỹ Sơn, chúng tôi không còn chỗ để ướt mặc dù đã cẩn thận trong hai lớp áo mưa. Lần này nơi đây đã tổ chức đưa vào kinh doanh phục vụ khách du lịch, với cái vé 50% dành cho học sinh và 1 vé người lớn, cha con tôi rảo trong màn mưa kỳ lạ ấy, vậy mà cũng không ít đoàn khách nước ngoài túm tụm dưới những chiếc dù màu sắc sặc sỡ, đứng lắng nghe tiếng thuyết minh của hướng dẫn viên du lịch về các nét đặc trưng ở khu đền tháp này… Và hôm nay, mùa hè 2013, lại mưa. Chớp mắt ba lần ghé đến Mỹ Sơn, ba lần bị mưa ướt tối tăm mày mặt, tôi đã làm cuộc đi dài những hai mươi năm của đời mình. Những lần đi ấy cũng đều mong mỏi viết được một điều gì đấy về Mỹ Sơn, vậy mà giờ đây, tôi ngồi vật lộn với mấy trang viết này bằng một tâm hồn cỗi cằn và xơ cứng, mới thấm thía nỗi đau bất tài vô tướng mà lại ham hố đến chuyện không cùng. Than ơi bi kịch đời người ngoài duyên phận, cơm ăn áo mặc, còn nhiều thứ bi kịch không tên khác cứ quấn lấy phận người như một thứ oan khiên tội nợ, như một nghiệp chướng.
      Đoàn nghệ thuật của Ban quản lý di tích Mỹ Sơn gồm những chàng trai, cô gái còn rất trẻ, công diễn một số tiết mục để phục vụ du khách. Tôi đã từng nhiều lần xem qua ti vi, cũng vẫn những màn múa hát quen thuộc, nhưng sao bây giờ ngồi đây, tận mắt chứng kiến những vũ nữ hồng hoang tươi trẻ, đẹp đến điêu linh phô diễn những tạo hình của nữ thần Apsara bằng xương bằng thịt, bằng những uốn lượn mê hồn trong hòa âm của các loại nhạc cụ riêng biệt, chỉ dân tộc Chăm mới có. Sự huyền hoặc lung linh được hiệu ứng ánh sáng làm cho nổi da gà, không phải vì sợ mà vì cái đẹp, đúng như người đời thường bảo, cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới, bất chợt ngờ rằng những hình ảnh sống động kia như vừa bừng thức sau giấc nghìn năm, trở mình bước ra từ rêu phong gạch đá. Những lóe sáng liên tục của máy ảnh từ hàng ghế người thưởng lãm đã nói lên sự khâm phục trước tài năng nghệ sỹ. Chương trình lại đưa người xem vào một trạng thái mơ hồ khác khi tiếng kèn saranai vang lên, tạm so sánh một cách khập khiểng vì chẳng thể diễn giải rõ ràng, hãy hình dung tiếng vang rít của hai thanh cật nứa khi cọ xát vào nhau, ta sẽ có cảm giác gần giống thế. Trên sân khấu, trong bộ áo Chàm trắng cổ truyền của tộc người dài sát đất, chiếc khăn vấn tròn trên đầu, chàng trai Chăm, một Nghệ nhân thực thụ đã làm ngỡ ngàng mọi người qua màn độc tấu, hình như trong tiếng kèn kia có lẫn nỗi tự hào và niềm ai oán, càng lúc càng dữ dội và hùng tráng sau những cung bậc dìu dặt thiết tha khi mới trỗi giọng. Sân khấu chợt rúng động bừng lên khi mỗi lúc càng về cuối người nghệ sỹ càng lên đồng, như thể bao tâm tình tiền kiếp hiện về qua tiếng kèn điêu luyện.

     Phân vân ngần ngại mãi rồi cũng đành liều. Vượt Phường Rạnh. Sợ bàn nhiều đâm thối chí, chúng tôi rẽ vào một nhánh đường bê tông trong xóm để tránh đoạn lầy lội từ ngã ba Duy Phú tới chân đèo. Những tưởng đỡ được vất vả dè đâu lại phải trả giá cho sự tính toán kia bằng gần chục cây số lạc đường. Lười nghĩ nên ai nấy cứ tin theo hai ông thổ thần bổn xứ Sa Hoài Nhân và Võ Bá. Vòng vèo chán theo những xóm thôn mượt mà xanh và đã có phần trù phú, đến khi tôi phát hiện ra thì đã xuống gần đến Duy Hòa…! Thôi đành cười xòa với nhau mà quay lại chứ còn biết sao hơn nữa. Đây là tuyến độc đạo nối Nông Sơn Trung Phước với vùng đồng bằng qua ngõ Duy Xuyên, tuyến đường men theo con đèo Phường Rạnh dài 17 Km, đã được làm thành tuyến giao thông, nghĩa là xe đò các thứ có thể lưu hành từ hồi Pháp thuộc, nhằm khai thác than Nông Sơn ở phía đầu nguồn sông Thu Bồn và phục vụ khu kỹ nghệ An Hòa đình đám một thời. Từ dưới chân đèo, bên cạnh hồ chứa nước Bàn Thạch, một khu biệt thự nghỉ dưỡng của giới thượng lưu người Pháp lúc bấy giờ đã được xây dựng, chắc rằng trước đây nên thơ lắm, bằng chứng là đến hồi đầu những năm 2000, chúng tôi lên đảm bảo giao thông, nghĩa là sửa chữa đường sá ấy mà, tôi đã từng đóng quân trong một ngôi biệt thự bên đường còn tương đối bền vững, chung quanh rải rác hàng chục biệt thự như thế hoang tàn lẩn khuất trong một cánh rừng đầy lau lách và cỏ dại, trông ra mặt hồ rộng lăn tăn sóng. Hôm nay nơi đây đang là một công trường rộng lớn, không biết bao nhiêu máy móc thi công đang gầm rú cày xới và san lấp, hình như nâng cấp cao trình của đập Bàn Thạch, khu biệt thự ấy đã biến mất, tiếc thật, nếu chịu khó trùng tu và có cách để xây dựng quy hoạch, đây sẽ trở thành một điểm nghỉ cao cấp phục vụ khách du lịch nối dài theo hành trình di sản Hội An – Mỹ Sơn, phát triển tiếp lên ngõ Trung Phước Nông Sơn rồi qua làng Đại Bình cây trái…Nhưng thôi, tiếc cảnh sinh tình thì bâng quơ vậy chớ đó là chuyện lớn, chuyện của những nhà “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/ Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” tầm cỡ, nào đâu đến lượt mình!
Thêm chú thích
       Năm chiếc xe máy không chạy mà nhảy chồm chồm trên những quanh co ngược dốc của con đèo, đường lởm chởm đá. Đã hơn ba mươi năm rồi còn gì, những người công nhân cầu đường của Công trường 104 thuở ấy đã làm mới con đường đèo bằng sức vóc trẻ trai của một thế hệ tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng. Từng viên đá 10x15 được chèn ghép vững vàng để làm nên móng đường giờ đang trơ mình phơi gan cùng tuế nguyệt, như ngơ ngẩn một câu hỏi không có lời đáp: “lớp áo đường cấp phối đá dăm nước của chúng tôi đâu?”. Bởi lẽ, theo thiết kế của loại công trình này, thì sau lớp đá móng kia được lu lèn cẩn thận, người ta làm tiếp một lớp đá 4x6 nhỏ hơn và tiếp tục công đoạn lu lèn, đến khi mặt móng đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, thì người thợ tiếp tục rải lên một lớp hỗn hợp đất đá nhỏ hơn gọi là cấp phối để làm lớp áo trên mặt đường, lúc bấy giờ đã êm thuận, đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông trên tuyến. Cứ qua khoảng ba năm khai thác sử dụng, người ta lại phải rải thay một lớp áo khác, nghĩa là một lớp cấp phối đá dăm nước khác… Thế nhưng đường đèo Phường Rạnh được làm một lần từ bấy rồi thôi, bỏ hẳn cho nắng mưa trần thế, chẳng một ai ngó ngàng đến, thử hỏi còn gì chịu nổi với thương hải tang điền, thử hỏi Trung Phước kia với Trà Kiệu dưới này có xa xôi mấy mà phải chịu cảnh gần nhà xa ngõ…?!
GIÓ
       Hơn ba mươi năm đi lại nẻo đường một thời mình yêu đương hò hẹn, cảnh cũ mà người nay đã dở dang rồi danh phận, làm sao không bùi ngùi cho được? Thì kia, dòng Thu Bồn quanh co như trêu cợt, chợt ẩn chợt hiện dưới tầm mắt mình. Những đêm trăng xa xưa ấy chúng tôi cùng với dòng sông trong veo ngọt mát, với người mình yêu mến biết bao lần tình tự, giờ thì sông vẫn đấy mà tuổi tác bạc màu, hưng phế đã thăng trầm sông núi bảo sao đời người không phiêu dạt phong trần, ngày mộng mơ nào nên thơ đến vậy, giờ đây áo cơm đùm túm mặt cau mày cú thì còn đẹp nỗi gì. Đừng nói chi ai, chính tôi và người bạn đời của tôi hôm nay làm sao tìm lại được thời son vàng của một đời người đã trôi chảy như sông, chưa phụ phàng nhau mà đã mất nhau rồi, mất chính mình một thời tươi đẹp nhất.
                                                                                   ( Còn tiếp)

                                                                     Tam kỳ 30/8/2013
                                                                      Nguyễn Đức Dũng




Từ những cung đường - (Phần II)
                                                                                  Ghi chép
       Đặt chân lên được thị tứ Trung Phước của huyện Nông Sơn mất hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ, thay vì chỉ cần non nửa giờ nếu như con đường được đúng như tên gọi. Hú vía! Có lẽ nhờ vào sự phù hộ độ trì của những vị thần cai quản bổn xứ linh thiêng thương tưởng. Dọc trên đường đèo, quạnh quẽ mấy ngôi miếu thờ u linh giữa thâm sơn cùng cốc, tôi và Gia Ly, phóng viên thường trú tại Quảng Nam của báo Đời sống & Pháp luật đã dừng chân dăm ba phút vào thành tâm thắp mấy nén hương kính ngưỡng. Nói dại chớ lỡ chỉ cần một chiếc xe máy của nhóm dỡ chứng thì chẳng biết đám nghệ sỹ nửa mùa chúng tôi sẽ cười khóc thế nào cho thấu đến tai trời…    
       Cảm khái trước cách đi đứng có phần lạ đời còn rơi rớt đến tận thế kỷ hai mươi mốt này, vậy mà không biết nhờ đâu, thi hứng cứ trào dâng trong mỗi nỗi hào sảng của mọi người. Ghé vào quán cà phê Trúc Ly trông rất xinh ở đầu “phố”, chưa kịp yên vị đã nghe nhà thơ Phạm Thông ngân nga mấy câu thơ Quang Dũng. Mà thật, trước tình cảnh này, tự nhiên những “Đôi bờ”, những “Quán bên đường” rồi “Đôi mắt người Sơn Tây” sao nó hợp tình hợp cảnh quá. Mọi người lõm bõm hòa theo: “Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai/ sông xa từng lớp lớp mưa dài/ mắt kia em có sầu cô quạnh/ khi chớm thu về một sớm mai…”. Cũng bởi bất chợt sinh tình nên cả bọn không một ai nhớ đến đầu đến đũa những thi phẩm nổi tiếng trong thi đàn nước nhà. Gia Ly nhanh trí lôi cái laptop trong ba lô ra gõ google, thế là chúng tôi chuyền tay nhau giữa quán mà hưởng trọn một chiều thơ lịch duyệt, chẳng phải ngại ngần gì mấy người khách đang ngồi nhâm nhi ở bàn bên cạnh…
NÚI NÔNG SƠN
        Điện thoại cho nhà thơ Hà Văn Đa, anh bận đi tập huấn ở ngành giáo dục huyện, chúng tôi đành bỏ dỡ cuộc hội ngộ mong chờ. Thế là phải sớm rời cái thị tứ đang nhăm nhe nổi danh nhờ vào việc sôi động của nghề làm trầm cảnh xuất khẩu, một cơ hội mới hứa hẹn sự đổi đời cho những cư dân  vùng cao nơi thượng nguồn sông Thu này. Chúng tôi tìm đường lên làng Đại Bường, vùng cây trái Nam bộ thu nhỏ giữa núi non xứ Quảng. Từ chợ Trung Phước, chỉ tà tà khoảng chưa đến năm cây số, chúng tôi rẽ về bên tay phải ở một ngã ba đường, đây là lối vào mỏ than Nông Sơn, một dạng vàng đen mà để khai thác được nó phục vụ cho các ngành công nghiệp, từ xưa đã để lại biết bao nhiêu buồn vui của phận số con người. Thì cũng vào tầm này đúng mười năm trước, một chuyện thương tâm đã xảy ra do cảnh ngăn sông cách đò, ta như còn cảm thấy xốn xang trong lòng mỗi khi nhớ đến 18 em học sinh đã ra đi mãi mãi, để hôm nay khi qua chiếc cầu Nông Sơn được xây dựng bởi sự chung tay góp sức của cả xã hội, không ai nén nổi ngậm ngùi, âu đành phú cho định mệnh. Lại một cú rẽ phải nữa khi qua khỏi cầu, chúng tôi chạy xe trên con đường bê tông vòng vèo một con đèo mi ni trông rất hữu tình, từ đây nhìn ngược lại, cầu Nông Sơn bắc qua sông Thu ở giữa hai ngọn núi, Cà Tang phía nam và Nông Sơn phía bắc, án ngữ tả hữu dòng sông, trông xa như sông ấy, núi ấy và cầu ấy là một chỉnh thể không làm sao khác được, vậy mà phải đợi đến “Khai trường này vắng bóng các em/ mười tám chỗ ngồi thất thần chờ đợi/ mười tám bàn thờ mờ trong hương khói/ mười tám góc nhà/ cặp sách im treo…” – (Cà Tang - N.T.T)…Nhưng thôi! Chẳng làm sao cải sửa được mệnh trời. Bên nỗi buồn đau đã dần lên sẹo ấy cũng có điều làm cho lòng người được an ủi, một nhà máy nhiệt điện công suất lớn, bề thế đang trong giai đoạn nước rút, xe máy hối hả thi công những hạng mục lắp ráp cuối cùng. Trên công trường, đây đó từng nhóm công nhân miệt mài làm việc giữa mịt mù bụi khói. Lúc chạy xe ngang qua những người thợ ấy, tôi lại nhớ về những tháng năm trai trẻ đắm đuối với nghề cầu đường của mình, gian khổ rất mực mà hạnh phúc cũng đã đời, chỉ mỗi tội nghèo do đồng lương của người lao động luôn bèo bọt. Đến tận hôm nay, cuộc sống tuy đã đổi thay nhiều, chế độ chính sách, những sự quan tâm điều chỉnh về việc làm và thu nhập dần được cải thiện, nhưng đối với người lao động chân tay trong các công trường, xí nghiệp vẫn còn ì ạch so với giá cả thị trường, những nhu cầu căn cơ phục vụ đời sống vật chất, tinh thần vẫn còn là điều xa xỉ đối với hầu hết giới công nhân lao động. Đi nhiều, gặp gỡ nhiều những cảnh ngộ mới mở lòng mở mắt mình thêm ra, mới thấy rằng còn biết bao nhiêu gian khó, thách thức luôn đồng hành trong cuộc chiến đấu sinh tồn và phát triển, luôn nhắc nhở ta những giá trị đích thực về ý nghĩa của đời sống.
CỔNG LÀNG ĐẠI BƯỜNG
        Đại Bường là cách gọi khác của làng Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Một dải đất hẹp bên tả ngạn sông Thu Bồn. Anh Từ Văn Hải, một cư dân cho biết, làng có bề rộng từ chân núi ra sông khoảng 1 cây số và men theo giòng chảy độ 3 cây số chiều dài. Hơn 1200 nhân khẩu trên gần 350 hộ. Chủ yếu sống bằng nghề nông, làm lúa ruộng nước trời và trồng cây ăn trái vườn nhà. Điều đặc biệt là giữa miền Trung này lại có một ngôi làng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cho các loại cây trái miền Nam sinh trưởng. Đi trên những con đường nhỏ đã được đổ bê tông quanh co cùng khắp xóm làng, những cổng ngõ đặc trưng của quê nhà còn được lưu giữ hết sức chăm chút, thẳng tắp những hàng chè tàu cắt xén đẹp mắt. Một chi tiết khá lý thú là trong ngôi làng này cổng ngõ chỉ để trang trí và mang nghĩa giới hạn về quyền sở hữu, tối ngủ mọi người không cần phải đóng cửa, xe máy đắc tiền thoải mái để ngoài trời chưa hề xảy ra mất cắp. Nhạc sỹ Mặc Ly không bao giờ đóng cửa ngõ kể cả khi gia đình có việc vắng nhà cả tháng trời…Chỉ dạo chơi chưa trọn nửa ngày nơi đây, vậy mà ta có ngay niềm tin về sự trù phú và yên bình, một mong ước không phải dễ dàng đối với rất nhiều vùng miền nông thôn nông nghiệp tính đến thời điểm hiện tại. Hầu như nhà nào ở đây cũng có một mảnh vườn tốt tươi xinh xắn. Nhìn vào sự đa dạng của các chủng loại cây trồng, sự phong phú về sắc độ của màu lá, ta biết đất đai này phì nhiêu vào loại “nhất đẳng thượng điền”. Thậm chí đến như những loài hoa cảnh ở mỗi sân vườn nhà kia cũng mơn mởn và rực rỡ, bụ bẫm những cánh hoa đang khoe màu trong nắng gió. Đúng là ưu ái quá mực của đất trời đã riêng ân sủng cho con người sinh ra trên mảnh đất này. Nhà thơ Hoàng Quy, đang sinh sống tại Cần Thơ vừa về thăm quê, đưa chúng tôi đi thăm mảnh vườn của mẹ ông để lại. Bên bờ sông, sau hàng tre xanh nghít trồng dày đặc để chống xói lở là một khu vườn rộng cả mẫu đất, mịn màng dưới chân người lớp đất pha cát thấm đẫm phù sa. Vịn vào một cây bưởi mà gốc chỉ bằng nắm tay quằn trĩu cành nhánh lúc lỷu quả, nhà thơ hồi hương cho biết thêm, đa số các loại cây đặc chủng này do một tay ông nội của nhà thơ đem từ trong Nam về nhân giống rồi phát triển rộng khắp cả làng, để hôm nay đi giữa Đại Bường, sum suê dưới những tán lá không biết bao nhiêu là thanh trà, một loại bưởi quý Nam bộ mà người Quảng Nam ta gọi là trái trụ, có vị ngọt thanh, ngõ Tiên Phước cũng trồng như một đặc sản nhưng không đại trà bằng. Ngoài ra còn có sầu riêng, cam, quýt, chuối, mít, chôm chôm v.v… Đến nỗi chỉ cần một vài kênh rạch ngang dọc nữa thì nơi đây không hề khác gì một vùng quê chuyên canh trái cây của Nam bộ.
       Đêm, trời se lạnh. Bữa cơm tối có phần thịnh soạn do vợ chồng anh Hải chiêu đãi. Vốn là một nông dân kiêm thợ hồ năm nay vừa qua tuổi bốn mươi, nhưng trông vào cơ ngơi xem ra đã tương đối ổn định. Từng quảy gánh tang bồng theo bạn nghề mưu sinh tứ xứ. Hải giải nghệ khi Nông Sơn rộ nghiệp trầm, hiện nay anh là một trong số bốn cơ sở sản xuất trầm cảnh để xuất khẩu của làng. Hải có bốn “nghệ nhân” rất trẻ làm việc trong “biên chế”, với mức lương hai trăm ngàn đồng trên một ngày công kèm cơm rượu khề khà. Hầu hết thanh niên ở làng bây giờ đều bị hút vào nghề trầm cảnh, việc nông tang chỉ còn dành lại cho người già và phụ nữ, nhờ vậy, mức sống xem ra tươi nhuận hơn trước nhiều. Nhìn những “tác phẩm” trầm cảnh bày bừa bộn trong nhà ngoài sân, tính sơ có cả bạc tỷ để khơi khơi chẳng cần kín cổng cao tường. Qua chuyện trò, chúng tôi thấy rằng đằng sau những hứa hẹn đổi đời kia, là những lớp sóng ngầm cũng đang song hành, ở đó thể hiện bản lĩnh của con người dám xông xáo, nhạy bén và có gan liều lĩnh. Nhiều thách thức đòi hỏi cơ mưu linh hoạt của một “tay chơi” sành sõi. Đấy là một tín hiệu đáng mừng mà cũng đáng cân nhắc trong thời buổi làm ăn kinh tế khó lường, thấp thoáng sự dấn thân, một yếu tố “nghiệp tính” phần nhiều thường chỉ dành cho giới văn nghệ sỹ.

                                                                          Tam Kỳ 01/9/2013
                                                                         Nguyễn Đức Dũng